Lượt xem: 1074

Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin từ website “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé để chủ động trong sản xuất

“Siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé là công trình thủy lợi có vai trò làm đầu mối kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng được hưởng lợi. Để nhân dân chủ động trong sản xuất, đơn vị chủ quản đã cung cấp đầy đủ thông tin về quan trắc, độ mặn, độ pH, mực nước,… qua trang web http://cailoncaibe.thuyloivietnam.vn

 


Toàn cảnh “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé

 

    Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: Đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.

    Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, do đây là vùng đất “mẫn cảm” với thay đổi của tự nhiên; biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân…

    Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra mục tiêu đến năm 2050 và tầm nhìn 2100 theo các giải pháp "thuận thiên" để phát triển bền vững. Nghĩa là không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển “thuận thiên” nhưng có sự ứng phó, kiểm soát để chủ động, vì khi thời tiết quá cực đoan nếu không can thiệp mà cứ chống đỡ thì ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh lương thực. Chẳng hạn như khi mặn xâm nhập quá thì ngăn mặn, khi nước ngọt thiếu thì giữ lại, giúp cho người dân chủ động sản xuất tốt hơn.

    Theo đó, “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé sau 02 năm khởi công, xây dựng (từ tháng 11/2019 - 10/2021) và khi đưa vào vận hành đến nay đã thực sự phát huy hiệu quả trong vai trò điều tiết nguồn nước, ngăn chặn, hạn chế thiên tai, phục vụ sản xuất. Cụ thể là, qua các đợt xâm nhập mặn trong năm 2022, cống Cái Lớn - Cái Bé đã điều tiết nước cho hơn 384.000 ha đất sản xuất vùng bán đảo Cà Mau, gồm: Thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang, giúp hàng ngàn người dân trong vùng an tâm sản xuất; vừa giữ ngọt cho vùng trồng lúa, vừa cung cấp nước có độ mặn phù hợp cho vùng vùng nuôi tôm và các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.

    Tại lễ khánh thành vào ngày 5/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đây là một công trình ý Đảng - lòng dân, một công trình trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp, sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ, sang tư duy chủ động, vừa là phải thích ứng và chủ động, thích ứng để “thuận thiên”, hay chủ động kiểm soát, thích ứng với biến đổi khí hậu”.


Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Công trình thủy lợi Cống Cái Lớn - Cái Bé vào ngày 05/3/2022

 

    Để giúp cho người dân chủ động hơn nữa trong sản xuất, ông Lê Tự Do - Giám đốc Chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long - Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé) cho biết: “Nhiệm vụ cơ bản của dự án là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định bền vững cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 346.241 ha, thuộc địa bàn các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Dự án nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.

    Để phục vụ được tốt hơn, đơn vị đã công khai trang web http://cailoncaibe.thuyloivietnam.vn, tự động cập nhật và cung cấp thường xuyên, đầy đủ thông tin về quan trắc, độ mặn, độ pH, mực nước,… Vì thế, khuyến khích nhân dân sinh sống trong khu vực hưởng lợi cần xem việc cập nhật thông tin từ trang web trên là một trong những bước cơ bản trong các hoạt động sản xuất, vì qua các thông số được cung cấp sẽ giúp người dân chủ động trong lịch mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, sản xuất hay các ngành nghề có liên quan đến nguồn nước.

Quốc Giang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 6514
  • Trong tuần: 77,221
  • Tất cả: 11,800,541